1. Mở đầu

            Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đã được hình thành và phát triển từ lâu. Hiện nay, hoạt động này ngày càng phổ biến bởi nó là một công cụ hiệu quả giúp các trường kiểm soát và đảm bảo chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở giáo dục. “Kiểm định chất lượng là một quá trình xem xét chất lượng từ bên ngoài, được giáo dục đại học sử dụng để khảo sát, đánh giá các cơ sở giáo dục và các ngành đào tạo nhằm đảm bảo và cải tiến chất lượng” (Hội đồng kiểm định giáo dục đại học của Hoa Kỳ-CHEA, 2003). Ở Việt Nam, “Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát” (Điều 17, Luật Giáo dục (2005).

Từ năm 2007 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Bộ ttiêu chuẩn KĐCLGD đối với cơ sở giáo dục (CSGD) và chương trình đào tạo (CTĐT), chu kỳ và quy trình kiểm định; hệ thống các văn bản quy định về công tác đánh giá và kiểm định CSGD và CTĐT cùng các hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn dùng để làm công cụ thực hiện. Hệ thống văn bản quy định về công tác đánh giá và kiểm định các CSGD và CTĐT ngày càng đầy đủ, đánh dấu sự hoàn thiện về quá trình chuyển giao các phương pháp đánh giá của Bộ GD&ĐT đối với các CSGD trên cả nước, chuẩn bị tiến đến kiểm định chất lượng toàn diện.

Hoạt động KĐCLGD cấp cơ sở giáo dục nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 05/2018, theo kết quả thống kê của 05 trung tâm kiểm định trực thuộc các đơn vị: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG-HCM, ĐH Đà Nẵng, Hiệp Hội các trường cao đẳng đại học Việt Nam và Trường Đại học Vinh, cả nước đã có 95 trường đại học và 02 trường Cao đẳng được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, 05 Cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như AUN-QA (Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN), HCERES (Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp); 114 chương trình đào tạo, bao gồm: 08 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 106 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch kiểm định với mục tiêu đến năm 2020 tất cả các trường đại học trong cả nước phải được kiểm định, và ít nhất 10% CTĐT của các CSGD được kiểm định.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT bắt đầu áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp CTĐT theo AUN-QA với 11 tiêu chuẩn, 50 tiêu chí (Thông tư 04/2016), đồng thời đang triển khai áp dụng thí điểm bộ tiêu chuẩn đánh giá CSGD theo AUN-QA với 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí (Thông tư 12/2017). Các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn được đánh giá theo thang đánh giá 7 mức, từ không đạt yêu cầu đến thực hiện xuất sắc, đạt mức của các CSGD hàng đầu thế giới. 

2. Vai trò của công tác KĐCLGD

Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi công tác đào tạo cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp của nước ta nói riêng, không những phải mở rộng qui mô mà còn phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong quá trình giáo dục đang dần dần chuyển từ nền giáo dục theo định hướng của Nhà nước hay theo định hướng học thuật của nhà trường sang nền giáo dục theo định hướng của thị trường lao động, kiểm định chất lượng trở thành một công cụ hữu hiệu của nhiều nước trên thế giới để duy trì các chuẩn mực chất lượng giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục với 4 vai trò lớn.

Thứ nhất, KĐCLGD giúp các trường đại học định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động. Chuẩn mực chất lượng đã được Bộ GD&ĐT xác định đầu tiên vào năm 2007 (Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng GD&ĐT) đó là bộ tiêu chuẩn gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí và những chỉ số cụ thể mà các trường cần phải đạt để đảm bảo chất lượng toàn diện. Việc phân tích, mô tả hiện trạng, chỉ ra điểm mạnh, tìm được tồn tại đồng thời lập kế hoạch hành động và đề ra giải pháp nhằm giải quyết các tồn tại này chính là những định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của các CSGD.

Thứ hai, KĐCLGD giúp các trường đại học có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. Đã có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng như: chất lượng được đánh giá bằng yếu tố “đầu vào”, “đầu ra” hay bởi “giá trị gia tăng”… Tuy nhiên, để đánh giá chính xác chất lượng của một CSGD cần có cái nhìn tổng thể về toàn bộ hoạt động của nhà trường. Bản thân KĐCLGD sẽ không tạo ra chất lượng ngay cho mỗi trường, mà nó chính là hoạt động phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường, giúp cho các nhà quản lý nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị mình để từ đó có bước hành động tiếp theo phù hợp.

Thứ ba, KĐCLGD là lời tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của trường. Việc tự nguyện đăng ký KĐCLGD được xem là lời cam kết về chất lượng đào tạo mà nhà trường mang lại cho người học và các bên liên quan khác như: nhà tuyển dụng, xã hội. Thêm vào đó, hoạt động đánh giá ngoài được thực hiện thông qua bên thứ ba là các chuyên gia có kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu và quản lý giáo dục đại học, có chứng nhận đào tạo kiểm định viên và/hoặc thẻ kiểm định viên KĐCLGD sẽ mang tính khách quan cao trong việc công nhận chất lượng của nhà trường. Vì vậy, kết quả kiểm định cung cấp cho các bên liên qua những thông tin kịp thời, chính xác để xác nhận chất lượng đào tạo của CSGD, từ đó có cơ sở lựa chọn được các dịch vụ phù hợp.

Thứ tư, KĐCLGD tạo cơ sở xây dựng văn hoá chất lượng cho CSGD. Hoạt động KĐCLGD dựa trên các chỉ số, các chuẩn mực để đánh giá, do đó, các thông tin này sẽ giúp mỗi thành viên của CSGD hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan; qua đó, họ biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng, khi đó văn hóa chất lượng sẽ dần hình thành tại cơ sở GDĐH.

3. Thuận lợi và khó khăn khi triển khai công tác KĐCLGD

a. Thuận lợi

Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn dùng để làm công cụ đánh giá, quy trình kiểm định cùng với mục tiêu, kế hoạch kiểm định cụ thể đến năm 2020.

Việc Bộ GD&ĐT đang áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp CSGD và cấp CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA là điều kiện thuận lợi để các CSGD vươn tới chuẩn chất lượng trong khu vực, từng bước hội nhập giáo dục quốc tế.

            KĐCLGD mới mang lại những giá trị đích thực của quy trình đào tạo, của chất lượng đào tạo ở mỗi một CSGD. Kết quả kiểm định đánh giá chính xác hiện trạng, là cơ sở để phân tầng năng lực đào tạo, và trả lời cho xã hội biết: Đâu là địa chỉ đào tạo đáng tin cậy để theo học hay nghiên cứu? Cộng đồng xã hội, phụ huynh và người học sẽ chọn trường nào để học; nhà tuyển dụng, thị trường lao động sẽ nhìn vào chất lượng của một Nhà trường đã qua kiểm định để tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp, bố trí công việc cho lực lượng lao động phù hợp.

b. Khó khăn

KĐCLGD đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các CSGD và xã hội, tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác này, các CSGD còn gặp một số khó khăn như:

+ Hoạt động đảm bảo chất lượng nội bộ nói chung và công tác KĐCLGD nói riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự tham gia, đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên, sinh viên. Thực tiễn cho thấy, nếu lãnh đạo CSGD có nhận thức đúng, thực sự quan tâm, đầu tư công sức, chỉ đạo sát sao thì công tác kiểm định của CSGD mới có thể thực hiện đúng quy trình, đạt hiệu quả. Sự quyết tâm, cam kết thực hiện cũng sẽ tạo động lực cho tập thể cùng hướng đến mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ của CSGD. Tuy nhiên, hiện tại một bộ phận không ít nhà quản lý các CSGD chưa nhận thức đầy đủ và thấy được tầm quan trọng của công tác kiểm định nên sẽ rất khó khăn để triển khai công tác này.

+ Đến nay, công tác KĐCLGD đã không còn là vấn đề quá mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, việc triển khai đến tất cả các đối tượng liên quan trong các CSGD vẫn chưa hiệu quả. Rất nhiều giảng viên, sinh viên, các nhà tuyển dụng lao động chưa hiểu biết đầy đủ về vai trò, tác dụng cũng như nội dung của công tác này. Sự thiếu hiểu biết này chủ yếu do công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời các hoạt động tự đánh giá, kiểm định trường chủ yếu do một vài đơn vị chuyên trách thực hiện, chưa thực sự trở thành hoạt động thường kì tại nhà trường để các đối tượng liên quan dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin.

+ Trong hoạt động tự đánh giá, hầu hết các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá (TĐG) là cán bộ quản lý phụ trách nhiều công việc trong Nhà trư­ờng nên ít đầu t­ư đư­ợc thời gian thoả đáng cho hoạt động này. Bên cạnh đó, các nhóm chuyên trách viết báo cáo TĐG còn thiếu kinh nghiệm, chưa được tập huấn bồi dưỡng các kĩ thuật thu thập, xử lý thông tin, minh chứng. Thiếu sự phối hợp giữa các nhóm chuyên trách trong quá trình thực hiện, các buổi thảo luận chung giữa các nhóm chuyên trách, giữa các nhóm chuyên trách với Hội đồng TĐG còn ít. Chính những điều này gây khó khăn cho công tác KĐCL khi các chuyên gia đánh giá phần lớn thông qua Báo cáo TĐG của Nhà trường.

+ Một trong những khó khăn lớn nhất của các CSGD là việc thu thập, sử dụng, quản lý minh chứng phục vụ tự đánh giá. Nguyên nhân là do công tác lưu trữ chưa tốt, đặc biệt nhiều số liệu chưa được thống kê hợp lý, kết quả thu thâp và xử lý minh chứng còn mang tính liệt kê, tập hợp, sắp xếp chưa logic, không phản ánh rõ sự thay đổi của nhà trường và xu hướng, phát triển trong thời gian tới.

4. Một số giải pháp cho các CSGD thực hiện công tác KĐCLGD

Trong thời gian qua, công tác KĐCLGD ở cấp CSGD và cấp CTĐT đã được tăng cường, chú trọng. Số lượng các CSGD đại học và các CTĐT đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể. Vị thế của giáo dục đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng Châu Á được nâng lên, thứ hạng cũng dần được cải thiện. Năm học 2017-2018, có thêm các CSGD đại học của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác KĐCLGD trong thời gian tới, mỗi CSGD cần thực hiện được các nhóm giải pháp sau:

(1) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch tổng thể cải tiến chất lượng nhà trường:

+ Định kì rà soát, bổ sung, điều chỉnh và được triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, tầm nhìn, và chiến lược phát triển của nhà trường được ;

+ Hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng (ĐBCL) bên trong theo định hướng chuẩn khu vực, quốc tế và một số trường đại học tiên tiến trên thế giới; kiện toàn đơn vị chuyên trách về ĐBCL; tăng cường năng lực ĐBCL bên trong cho đội ngũ cán bộ, viên chức của nhà trường; xây dựng kế hoạch ĐBCL hằng năm của nhà trường và triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra;

+ Thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT;

(2) Triển khai hiệu quả công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài và cải tiến sau đánh giá ngoài ở cấp CSGD và/hoặc CTĐT

+ Đối với các CSGD chưa đăng ký KĐCL thì cần có giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Báo cáo tự đánh giá, đăng ký với các tổ chức KĐCLGD và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động đánh giá ngoài;

            + Đối với các CSGD đã được đánh giá ngoài nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận đạt kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, cần tập trung khắc phục hạn chế, cải tiến chất lượng ở các tiêu chí chưa đạt, phát huy những tiêu chí đã làm tốt;

            + Đối với các CSGD đã được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện báo cáo giữa kỳ theo quy định; triển khai các giải pháp cải tiến nâng cao chất lượng giáo sau đánh giá ngoài.

5. Kết luận

KĐCLGD là một quá trình đánh giá nhằm đưa ra một quyết định công nhận một CSGD hay một CTĐT của nhà trường đáp ứng các chuẩn mực qui định. KĐCLGD không những phản ánh cho các bên liên quan những bằng chứng xác thực về chất lượng đào tạo mà còn là cơ hội và động lực để nâng cao chất lượng cho các CSGD đã qua kiểm định. Chỉ có thực hiện KĐCLGD mới mang lại những giá trị đích thực, nâng cao thương hiệu và chất lượng đào tạo của mỗi một CSGD.

 

                                                                                                                                  PGS. TS. Mai Văn Chung